Chiến tranh với chư hầu Đổng_Trác

Năm 190, Viên Thiệu tuyên bố thảo phạt Đổng Trác giết vua, hiệu triệu các chư hầu nổi dậy, gồm có: Viên Thiệu (Thái thú Bột Hải), Viên Thuật (Hậu tướng quân), Hàn Phức (châu mục Ký châu), Khổng Do (Thứ sử Dự châu), Lưu Đại (thứ sử Duyện châu), Vương Khuông (Thái thú Hà Nội), Trương Mạo (Thái thú Trần Lưu), Trương Siêu (Thái thú Quảng Lăng), Kiều Mạo (thái thú Đông quận), Viên Di (Thái thú Sơn Dương), Bão Tín (tướng quốc Tế Bắc). Trong số này ngoài Viên Thiệu có Viên Thuật, Hàn Phức, Lưu Đại và Khổng Do là những người được chính Đổng Trác vừa nhân danh Hán Hiến Đế bổ nhiệm.

Đổng Trác căm thù Viên Thiệu, bèn bắt chú Viên Thiệu là Viên Ngỗi cùng toàn gia tộc họ Viên ở Lạc Dương mang giết hết.

Các chư hầu tập kết tại huyện Hoài, quận Hà Nội[16], huyện Dương Trạc quận Dĩnh Xuyên, huyện Toan Cức[17] và phía bắc huyện Nghiệp[18]. Ngoài ra một cánh quân khác của Thái thú Trường Sa là Tôn Kiên cũng hưởng ứng, tuy không đến hội minh nhưng cũng tiến binh đánh Đổng Trác. Tôn Kiên đánh Kinh châu giết Thứ sử Vương Duệ và đánh Nam Dương giết thái thú Trương Tư. Đổng Trác bèn sai Lưu Biểu ra làm Thứ sử Kinh châu thay Vương Duệ.

Đổng Trác sai Chấp kim ngô Hồ Mẫu Ban, Tương tác đại tượng Ngô Tu và Việt kỵ hiệu úy Vương Hoàn đến huyện Hoài xin giảng hòa với Viên Thiệu. Ngoài ra ông còn sai Thiếu phủ Dương Tu và Đại hồng lô Hàn Dung tới điều đình với Viên Thuật. Viên Thiệu không nghe, sai Vương Khuông bắt cả ba người mang chém. Còn trong 2 người đến chỗ Viên Thuật, Dương Tu bị giết, chỉ có Hàn Dung nhờ đức độ và uy tín cao nên được thả.

Vương Khuông theo lệnh Viên Thiệu mang quân đến Hà Dương[19] đánh Đổng Trác, bị ông điều quân đánh tan.

Đổng Trác định hạ lệnh tổng động viên toàn quốc để đánh dẹp chư hầu, nhưng Thượng thư Trịnh Thái khuyên rằng quân Tây Lương dũng mãnh, đủ mạnh để chống Viên Thiệu; nếu tổng động viên sợ thiên hạ oán thán sẽ bỏ trốn hoặc nổi lên chống lại. Đổng Trác nghe theo, sai bộ tướng Hồ ChẩnLã Bố ra đối địch. Hồ Chẩn và Lã Bố bất hòa với nhau nên bị Tôn Kiên đánh bại.

Tôn Kiên tiến đến Đại Cốc cách Lạc Dương 90 dặm. Đổng Trác đích thân ra trận, giao chiến với Tôn Kiên một trận nhưng bị đánh bại, đành rút quân về Thằng Trì và Thiểm châu ở phía tây Lạc Dương đóng quân, để Lã Bố ở lại đóng đồn trấn thủ Lạc Dương.

Đổng Trác sợ hãi, tính đường mang vua Hán bỏ kinh thành Lạc Dương chạy sang Trường An nên đặt ra những lời sấm truyền để triệu tập trăm quan bàn nên thiên đô. Dương Bưu trong số ít người phản đối mạnh mẽ ý định của Đổng Trác. Đổng Trác tức giận bèn mượn cớ có thiên tai xuất hiện làm điềm xấu, định cách chức Dương Bưu, nhưng chưa thực hiện thì vội vã mang vua Hiến Đế chạy[20].